Phim Cửu Long Thành Trại Tên Tiếng Anh

Phim Cửu Long Thành Trại Tên Tiếng Anh

Lạc vào tiên cảnh nơi trần gian ở Cửu Trại Câu

Lạc vào tiên cảnh nơi trần gian ở Cửu Trại Câu

Hành trình nghẹt thở tới Cửu Trại Câu, Hoàng Long

Cửu Trại Câu – ‘Thiên đường nơi hạ giới’

Được hình thành trên vùng núi đá vôi trầm tích, Cửu Trại Câu có hàng trăm hồ nước và khoảng 100 ghềnh thác lớn nhỏ đẹp như tranh vẽ.

Nơi đây có 9 ngôi làng của người Tạng (tỉnh Tứ Xuyên) nên người ta quen gọi là “Cửu Trại”. Toàn bộ diện tích của khu bảo tồn vào khoảng 60.000 ha, nằm ở độ cao khoảng 2.500 m so với mực nước biển, bao gồm 3 thung lũng xếp theo hình dạng chữ Y mang tên Nhật Tắc Câu, Tắc Tra Câu và Thụ Chính Câu.

“Thiên đường nơi hạ giới” là câu nói ví von phổ biến của người Trung Quốc về Cửu Trại Câu. Khu bảo tồn sinh quyển thế giới này được UNESCO công nhận từ năm 1992.

Bao quanh Cửu Trại Câu là những dãy núi bị tuyết phủ quanh năm, được gọi là núi Tuyết Sơn.

Hồ Thu Chính, một trong những điểm tham quan đầu tiên khi đặt chân đến Cửu Trại Câu.

Đoàn du lịch chúng tôi có mặt tại điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc những ngày đầu tháng 5 mùa hè. Dường như không hề quá lời để thừa nhận Cửu Trại Câu là “nơi phải đến một lần trong đời”.

Chỉ mới 9 tháng trước (ngày 8/8/2017), Cửu Trại Câu bị một trận động đất kinh hoàng, 7 độ richter khiến ít nhất 24 người chết và 500 người bị thương. Lúc xảy ra sự cố có gần 60.000 người ở hiện trường, trong đó có 40.000 du khách trong nước và quốc tế đang tham quan. Theo lời anh A Bảo – hướng dẫn viên du lịch thì họ bị mắc kẹt không còn đường về và phải nhờ sự cứu hộ của trực thăng mất rất nhiều thời gian mới có thể thoát ra khỏi khu vực này.

Khi phóng viên có mặt tại đây một ngày đầu tháng 5, đường đi vẫn còn ngổn ngang gạch đá, được vun vén gọn vào một bên lề đường và phủ bạt che chắn. Xung quanh đó còn nhiều con suối, hồ bị cạn nước do dòng chảy bị đất đá ngăn lại cùng nhiều nguyên nhân khác. Riêng thác nước hùng vĩ Nuoriliang, một trong những thắng cảnh nổi bật nhất của Trung Quốc, là trường quay trong bộ phim Tây Du Ký, nay chỉ toàn bùn đất, gạch đá từ trên cao dội xuống, là địa điểm không thể đặt chân đến. Hầu hết du khách bị cảm giác tiếc nuối vì không được một lần nhìn thấy nó.

Dọc đường ở Cửu Trại Câu vẫn ngổn ngang gạch đá sau trận động đất hồi tháng 8/2017.

Song Long, điểm dừng chân mới đưa vào sử dụng trong công viên Cửu Trại Câu.

Cửu Trại Câu đóng cửa từ trận động đất đó khoảng 7 tháng. Ngày 8/3 vừa qua, Chính phủ Trung Quốc mới cho phép khu du lịch nổi tiếng này đón khách trở lại. Tuy nhiên, các đoàn khách cả trong nước lẫn quốc tế chỉ được tham quan một phần thay vì toàn bộ như trước. Những địa điểm được phép đặt chân tới là hồ Trường Hải, hồ Kính Hải, hồ Ngũ Sắc và hồ Thu Chính.

Anh Dương Trạch Cường, Trưởng đoàn khảo sát du lịch người Trung Quốc cho biết khi đến Cửu Trại Câu vào dịp tháng 10, 11 cảnh sắc sẽ đẹp hơn rất nhiều bởi ngoài mặt hồ nước xanh ngắt còn được tô điểm bởi màu vàng, đỏ của lá cây trên các triền núi.

Tuy nhiên, với những gì được chứng kiến, du khách Việt Nam nào đã dành trọn kỳ nghỉ lễ 30/4 cho chuyến đi Cửu Trại Câu vừa qua là điều không hề lãng phí, thậm chí nhiều người đã cảm thấy rất mãn nhãn.

Về phía đoàn du lịch có sự góp mặt của phóng viên, may mắn có mặt đúng vào ngày nắng to vàng vọt, trời xanh ngắt, đẹp đẽ, tiết trời không quá lạnh dù ở độ cao hơn 4.000 m. Khác hẳn với một buổi chiều hôm trước khi đoàn vừa tới khách sạn, mưa rơi nặng hạt, thời tiết xầm xì, rất đáng lo ngại.

Hồ Kính Hải, điểm dừng chân có màu nước xanh soi bóng như gương.

Bên trong công viên Cửu Trại Câu, tại hồ Kính Hải, những dải mây trắng lượn lờ trên ngọn núi cao từ 3.000 – 4.500 m, soi mình xuống hồ nước rộng mênh mông với màu xanh sẫm màu kỳ lạ khiến một số chị em phụ nữ trầm trồ chạy khắp ven bờ tìm góc ảnh đẹp nhất. Dọc đường đi xuất hiện nhiều cảnh đẹp hơn cả một số điểm chính thức được dừng chân nhưng ôtô không được phép đỗ lại. Mọi người ngồi trên xe đành giơ các thiết bị quay chụp qua cửa kính và bấm bụng tiếc nuối.

Nước các hồ ở Cửu Trại Câu có màu xanh gần giống nước biển ở nhiều hòn đảo nhưng đậm hơn và mang sắc thái rất khác. Màu sắc này được tạo nên bởi sự hình thành từ những khoáng chất đặc biệt. Chính vì vậy, dù thời tiết có nắng hay mưa, mặt nước hồ “thiên đường nơi hạ giới” vẫn không thay đổi.

Tôi nửa tiếc nuối nửa ao ước, giá như bây giờ là mùa thu sẽ chụp được những bức ảnh “đỉnh cao” bởi sự pha trộn sắc màu vàng, đỏ của lá cây với màu xanh của trời và nước.

Hồ Trường Hải có hình lưỡi liềm, là hồ lớn nhất và sâu nhất khu thắng cảnh này, với độ sâu tới 103 m và dài 7,5 km. Do bị ngược ánh sáng mặt trời vào buổi chiều, hồ hiện lên qua ảnh bị nhạt màu đi khá nhiều. Phía xa là dãy núi tuyết trắng tạo nên khung cảnh đa sắc màu.

Hồ Ngũ Sắc không còn mang nhiều màu và bị cạn nước kể từ sau trận động đất hồi tháng 8/2017. Truyền thuyết kể rằng, nữ thần Semo của người Tây Tạng đã dừng chân nơi đây để rửa mặt. Mỹ phẩm của nàng mãi mãi lưu lại trong lòng hồ.

Đi bộ 7 km trong điều kiện thiếu không khí ở Hoàng Long

Hoàng Long (tiếng Anh là Huanglong) không phải là điểm đến dự tính ban đầu của đoàn du lịch chúng tôi. Tuy nhiên, được quảng cáo là nơi đẹp như tiên cảnh, là “đối thủ” cạnh tranh của Cửu Trại Câu, cả đoàn quyết định “đầu tư” thời gian thêm hơn nửa ngày nữa để khám phá.

Từ Cửu Trại Câu đến Hoàng Long mất khoảng 100 km, đường đồi núi ngoằn ngoèo, nhiều đoạn xóc nảy người. Khi đến nơi, chúng tôi được hướng dẫn di chuyển bằng cáp treo chừng 5 phút lên một ngọn núi, rồi từ đó tiếp tục đi bộ tới hồ Ngũ Sắc, danh thắng mà chúng tôi khi trở về nhận xét là “phê” nhất toàn bộ hành trình.

Di chuyển bằng cáp treo lên đỉnh núi rồi tiếp tục cuốc bộ hơn 3 km để tới hồ Ngũ Sắc – Hoàng Long nằm phía sau ngôi đền.

Hồ Ngũ Sắc tự nhiên, có mỏ khoáng sản nên phát quang, cộng thêm sự phản chiếu của núi non và rừng xuống mặt nước nên nó hiện lên đa sắc, từ màu xanh lá cây, màu lam, màu xanh dương, màu vàng đến màu ngọc lam sáng.

Danh lam thắng cảnh này được UNESCO ghi nhận là kho tàng di sản thế giới bởi một thung lũng hẹp với nhiều hồ nước đa màu sắc. Hồ Ngũ Sắc – Hoàng Long là một hồ nước lớn tự nhiên, bên trong có mỏ khoáng sản tạo ra sự phát quang, cộng thêm sự phản chiếu của núi non và rừng xuống mặt nước. Nhờ đó nó hiện lên đa sắc với các màu xanh lá cây, lam, xanh dương, vàng hay ngọc lam sáng. Ngay sát hồ là một ngôi đền. Bước tới đây bạn sẽ có cảm giác như sắp trèo lên tới đỉnh núi tuyết đang phủ một màu trắng xoá.

Chưa kịp nhìn thấy hồ Ngũ Sắc, tiến sát gần chân núi tuyết trắng, các nam thanh nữ tú ai nấy đều òa lên sung sướng, thi nhau phô diễn với những bức hình đẹp. Được biết, trong số những người này, họ phần lớn đều từng đi du ngoạn nhiều nước trên thế giới nhưng với việc sau khi trải qua chặng đường gian khổ mới đến được đây, nhìn thấy khung cảnh như thế này không phải là điều ai cũng từng được trải qua. Lúc đó, chúng tôi có cảm giác như chỉ bước thêm vài trăm mét nữa là có thể lên được đỉnh Tuyết Sơn.

Để lên được “thiên đường” thứ 2 của hành trình, nhóm phóng viên và các du khách khác đều phải trải qua một chặng đường đi bộ hết lên dốc lại xuống đồi, vừa đi vừa về là hơn 7 km trong điều kiện không khí loãng và tiết trời khá lạnh, (khoảng 9 độ C). Có những thời điểm chúng tôi chỉ bước chân được 20 m lại phải ngồi nghỉ, cứ thế liên tiếp, một phần do vác đồ nghề máy ảnh trên vai nặng hơn 10 kg. Dọc hành trình, khá nhiều du khách khác dù đi người không cũng phải nằm lăn ra đất hoặc ghế bên đường vì quá sức. Một số phụ nữ thậm chí cả nam giới phải dùng biện pháp thở oxy tại một ngôi nhà dịch vụ gần đó.

Nhiều nhóm du khách cứ bước chân mãi mà không thấy tới, dọc đường gặp các đoàn người đi ngược chiều họ thường dùng tiếng Trung Quốc để hỏi: “Còn xa không?”, “Bao nhiêu phút nữa tới nơi?”… Câu trả lời duy nhất của chúng tôi là động viên, không dám nói cụ thể bao xa vì sợ họ không đủ kiên nhẫn: “Cố lên, còn quãng đường ngắn nữa thôi”.

Điều khiến nhiều người thắc mắc suốt cả chặng đó là không thấy dịch vụ xe điện chở khách như ở các điểm du lịch khác? Lẽ ra thay vì xây dựng con đường bộ hành như thế này có thể làm thêm lối cho xe điện? Câu trả lời được Ban quản lý khu di tích Hoàng Long trả lời ngay cho chúng tôi, đó là vào năm 2019, dự án này sẽ hoàn thành. Du khách đến đây sẽ không phải cuốc bộ mệt nhọc hàng tiếng nữa mà sẽ chỉ mất 20 phút ngồi trên xe điện để tới hồ Ngũ Sắc và chân núi Tuyết Sơn.

Đích đến hồ Ngũ Sắc dưới chân núi Tuyết Sơn. Từ đây trở về bến, du khách có thể chọn đường bộ hoặc trở lại ga cáp treo với quãng đường đi bộ hơn 3 km để mua vé chiều về (rẻ hơn chiều lên).

Nhiều thanh niên lẫn người cao tuổi đều nằm vật thở dốc vì không khí loãng, thiếu oxy. Nếu không mặc đủ áo ấm ở độ cao 4.000 m này rất dễ bị sốc, cảm.

Dịch vụ thở oxy dọc lối lên hồ Ngũ Sắc – Hoàng Long.

Đường đến Thiên đường nơi hạ giới

Để có mặt ở Cửu Trại Câu, du khách Việt Nam chỉ có một lựa chọn duy nhất là sử dụng đường bay của Vietnam Airlines từ Hà Nội tới thành phố Chengdu (Thành Đô) với gần 2 giờ đồng hồ. Thành Đô cách Hà Nội hơn 1.000 km (1.100-1.200 km, tương đương với TP.HCM). Nếu du khách xuất phát từ Sài Gòn phải nối chuyến ra Nội Bài rồi bay tiếp tới Thành Đô.

Có mặt tại thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, du khách tiếp tục di chuyển quãng đường hơn 400 km bằng xe khách 45 chỗ ngồi khoảng 8 – 10 tiếng tùy vận tốc để đặt chân tới khách sạn gần công viên Cửu Trại Câu.

Nằm trong chương trình thúc đẩy tăng trưởng du lịch, 8 năm qua Chính phủ Trung Quốc đã cho khởi công xây dựng tuyến đường sắt cao tốc 350 km/h nối Lan Châu với Thành Đô, dài 463 km đi qua khu vực Cửu Trại Câu. Sau khi hoàn thành, dự án này góp phần rút ngắn thời gian từ 21 tiếng đồng hồ như hiện nay bằng đường bộ xuống còn 4 tiếng với đường sắt. Riêng việc di chuyển từ thủ phủ của Tứ Xuyên tới “Thiên đường nơi hạ giới” sau này sẽ chỉ còn hơn 1 giờ đồng hồ.

Đường phố Thành Đô qua khung cửa khách sạn.

Dọc đường từ Thành Đô tới Cửu Trại Câu có nhiều hầm xuyên núi. Hầm dài nhất lên tới 15 km.

Khu khách sạn để nghỉ qua đêm trên đường từ Cửu Trại Câu về Thành Đô. Do đường sá nhỏ hẹp, tối tăm, ôtô không được phép di chuyển vào buổi tối.

Theo thống kê của ngành du lịch nước này, trước thời điểm tháng 8/2017, mỗi ngày khu du lịch Cửu Trại Câu đón từ 20.000 du khách trở lên, trong đó 80% là người Trung Quốc, 20% là du khách quốc tế. Sự cố động đất cách đây 9 tháng cũng khiến thắng cảnh này bị ảnh hưởng ít nhiều. Kể từ thời điểm mở cửa đón khách trở lại hồi tháng 3/2018, nơi đây vẫn bị hạn chế với khoảng 2.000 lượt người mỗi ngày.